Doanh nghiệp xin nhập... phế liệu!
Tại hội nghị ngành nhựa hôm qua 29.8, các doanh nghiệp nhựa Việt Nam vừa đưa ra một kiến nghị khá nhạy cảm: cho phép nhập khẩu các loại nhựa phế liệu để phục vụ sản xuất!
"Khát" phế liệu
Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), hiện nay cả nước có hơn 2.000 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nhựa, nhu cầu nguyên liệu hằng năm từ 1,6 - 1,7 triệu tấn các loại nhựa PE, PP, PS... nhưng thị trường trong nước mỗi năm chỉ mới cung cấp được 300.000 tấn. Ông Hồ Đức Lam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA cho biết: "Ở các quốc gia lân cận như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, nguyên liệu thùng rác nhựa tái chế được sử dụng hằng năm chiếm từ 15,9 - 25% tổng sản lượng nhựa, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đạt từ 2,5 - 4,5 tỉ USD, nguyên nhân chủ yếu là do tận dụng được nguồn nguyên liệu nhựa tái sinh nhằm làm tăng sức cạnh tranh về giá, nhưng không làm thay đổi chất lượng. Ở Việt Nam, ước tính, nếu tận dụng được từ 35 - 50% nguyên liệu nhựa tái sinh thì sẽ tiết kiệm được hằng năm khoảng gần 1 tỉ USD so với kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chính phẩm, đồng thời tăng được 18 - 25% kim ngạch xuất khẩu nhựa hằng năm của ngành".
Ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch HĐQT Công ty nhựa Tân Đại Hưng (TP.HCM) cũng đưa ra ý kiến: "Các doanh nghiệp Việt Nam gần như sử dụng 100% nguyên liệu nhựa chính phẩm, chiếm hơn 70% giá thành sản xuất, vì vậy giá bán các sản phẩm nhựa xuất khẩu của Việt Nam thường cao hơn giá của Trung Quốc, Ấn Độ từ 10 - 15%, làm giảm khả năng cạnh tranh. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp nhựa Việt Nam mong muốn Chính phủ và các bộ liên quan xem xét, bổ sung những quy định về nhập khẩu phế liệu để phát triển nguồn nguyên liệu cho ngành nhựa".
Ông Đào Duy Kha, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nhựa Việt Nam (Vinaplast) cũng kiến nghị: "Công ty chúng tôi đã có kế hoạch hợp tác với một công ty của Canada thành lập liên doanh đầu tư xây dựng 2 nhà máy xử lý phế liệu thùng nhựa, tuy nhiên hơn 3 năm nay, việc triển khai vẫn đang dậm chân tại chỗ. Lý do là thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn do hệ thống thu gom phế liệu nhựa trong nước hiện nay chưa được tổ chức tốt. Nếu cố gắng tối đa cũng chỉ thu gom được vài trăm tấn phế liệu nhựa/ngày, trong khi để đáp ứng nhu cầu sản xuất cho nhà máy có công suất 50.000 tấn/năm, mỗi ngày phải thu gom được trên 1.000 tấn phế liệu nhựa đạt chuẩn".
Ranh giới mong manh
Hiện nay cơ quan quản lý nhà nước đã có hàng loạt văn bản liên quan đến việc nhập khẩu - tái chế phế liệu. Theo quyết định 12/2006/QĐ- BTNMT của Bộ Tài nguyên - Môi trường, plastic (nhựa) ở dạng khối, thanh, ống, tấm, sợi mảnh được loại ra từ quá trình sản xuất, chưa qua sử dụng được phép nhập khẩu. Tuy nhiên thực tế dạng nguyên liệu này đều được thu hồi để tái sử dụng bởi chính nhà sản xuất nên số lượng cung cấp cho thị trường rất hạn chế, giá cả cũng cao gần với giá nguyên liệu chính phẩm nên doanh nghiệp hầu như không nhập. Nguyện vọng của VPA là được phép nhập khẩu tất cả chủng loại nguyên liệu nhựa ở dạng khối, cục, thanh, ống, tấm, sợi được loại ra từ quá trình sản xuất đã hoặc chưa qua sử dụng.
Đề nghị trên của các doanh nghiệp ngành thùng nhựa công nghiệp được xem là rất nhạy cảm. Bởi lẽ, việc nhập khẩu "rác" lâu nay vẫn gây nhiều tranh cãi vì tác động tiêu cực đến việc bảo vệ môi trường, khó khăn trong việc khắc phục hậu quả. Nhận thức được vấn đề này, các doanh nghiệp nhựa đã tự giác đưa ra nhiều giải pháp.
Ông Đào Duy Kha đề xuất: "Trước hết Nhà nước phải có quy định rõ nhà máy xử lý nhựa phế liệu nhập khẩu phải nhập nguyên liệu về để trực tiếp sản xuất, không cho phép nhập về để mua đi bán lại. Về nguyên liệu nhập để tái chế, nên chọn một tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của các nước tiên tiến như Mỹ, Canada...". Theo kiến nghị của VPA, chỉ những doanh nghiệp có nhà máy xử lý phế liệu có công nghệ tiên tiến mới được phép nhập khẩu trực tiếp phế liệu nhựa để phục vụ việc tái chế. Ông Phạm Trung Cang khẳng định: "Chúng tôi không xin nhập rác nhựa mà chỉ nhập phế liệu nhựa đã được phân loại, đồng nhất về chủng loại. Chỉ xin nhập phế liệu nhựa chất lượng cao thôi!".