Việt Nam được tài trợ một triệu Euro để nghiên cứu tái chế nhựa

Việt Nam được tài trợ một triệu Euro để nghiên cứu tái chế nhựa

Dự án được thực hiện trong 3 năm, nhằm thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng thùng nhựa, hạn chế lãng phí và ảnh hưởng môi trường.

Rác thải nhựa dưới biển có thể nhiều hơn cá vào năm 2050

Sáng 23/5, tại Hà Nội, dự án quốc tế “Quản lý và tái chế nhựa” được khởi động. Đây là dự án do Erasmus - chương trình trao đổi sinh viên của Liên minh Âu châu tài trợ cho Việt Nam trong 3 năm, với sự tham gia của 5 quốc gia gồm: Áo, Đức, Đan Mạch, Lào và Việt Nam, kinh phí một triệu Euro.

Ở Việt Nam, Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Công nghiệp TP HCM là thành viên dự án.

Giám đốc dự án, GS Stefan Petrus Salhofer, Đại học Tài nguyên và Khoa học Đời sống Vienna, Áo, cho biết dự án nhằm thúc đẩy việc tái chế, tái sử dụng nhựa, hạn chế lãng phí và ảnh hưởng môi trường; tập trung đào tạo, nâng cao trình độ nghiên cứu, nhận thức của người dân, nhà quản lý cũng như các công ty tái chế nhựa… 

Dự án có 6 hoạt động chính: Hiện đại hóa chương trình giảng dạy hiện có; thành lập hai trung tâm đào tạo quy mô khu vực dành cho người làm việc trong lĩnh vực tái chế nhựa; thành lập Mạng lưới đào tạo về tái chế chất thải; đào tạo giảng viên; đưa khái niệm phát triển bền vững vào môn học quản lý chất thải trong đào tạo thạc sĩ; nâng cao kỹ năng, trình độ cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ.

Theo GS Nguyễn Văn Nội, Hiệu trưởng Đại học Khoa học tự nhiên, bên cạnh việc tham gia đào tạo cho sinh viên ở các trường đại học đối tác ở Việt Nam và Lào, chương trình còn góp phần nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn cho các chuyên gia về quản lý chất thải, chuyển giao công nghệ cho công ty quản lý chất thải, cơ sở tái chế, thu gom chất thải từ các thùng rác nhựa.

Thông qua dự án, nhiều thiết bị hiện đại sẽ được đầu tư phục vụ cho việc nghiên cứu và đào tạo. Sẽ có các khóa học dựa trên nền tảng các ngành khoa học tương ứng: Khoa học vật liệu; Kỹ thuật công nghệ: Lựa chọn thu gom nhựa, công nghệ phân loại và xử lý nhựa, tái chế; Công nghệ kiểm soát phát thải: xử lý vật liệu nguy hiểm, xử lý an toàn, sức khỏe và an toàn lao động... 

Các khóa học sẽ được xây dựng dựa trên phương pháp đào tạo tiên tiến theo mô hình của châu Âu, có điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu, thực trạng tái chế nhựa ở Việt Nam và Lào.

Sản lượng nhựa (plastic) toàn thế giới tăng nhanh chóng, từ 15 triệu tấn năm 1964 lên 311 triệu tấn vào năm 2014. Từ năm 1950 đến nay, thế giới đã sản xuất hơn 9 tỷ tấn nhựa plastic. Một nghiên cứu mới đây cho thấy, chỉ có 2 tỷ tấn nhựa plastic đang được sử dụng để sản xuất các mặt hàng nhựa như: thùng nhựa, bao bì nhựa, các sản phẩm dùng 1 lần... Số còn lại được chôn lấp dưới dạng rác tái chế, hoặc thiêu hủy trong các lò thiêu. 

Trung bình mỗi người Việt Nam thải ra 1,2 kg rác/ngày, tương đương với số lượng rác thải ra trên cả nước là 120.000 tấn. Trong đó có gần 19.000 tấn rác thải nhựa.

Mỗi năm các đại dương đang phải hứng chịu từ 8 đến 9 triệu tấn rác thải nhựa. Hơn nửa số rác thải này đến từ 5 quốc gia châu Á, dẫn đầu là Trung Quốc với 2,4 triệu tấn, chiếm khoảng 30%, sau đó lần lượt là Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka.